Năm 2019 được coi là đỉnh điểm khó khăn với ngành chăn nuôi lợn bởi ảnh hưởng liên tiếp của dịch lở mồm long móng và tả lợn Châu Phi, nhưng với sự quyết tâm, tập trung cao độ, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã vượt qua giai đoạn nhạy cảm nhất.
Ông Phạm Duy Phẩm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, thành quả lớn nhất với Trung tâm năm 2019 là đến thời điểm này giữ được an toàn đàn lợn hạt nhân, đàn lợn giống gốc.
Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương được giao nuôi giữ 500 lợn nái GGP gồm 2 giống Landrace, Yorkshire và 80 lợn đực kiểm tra năng suất tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn.
Trung tâm đã hoàn thành kế hoạch nuôi giữ giống gốc về chủng loại, số lượng, năng suất, chất lượng đàn lợn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn nuôi giữ khoảng 500 lợn nái GGP và GP sản xuất giống khác.
Trung tâm tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương hiện vẫn bảo vệ an toàn đàn lợn cụ kỵ, ông bà khoảng 1.000 con, chiếm khoảng 1% tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà của cả nước
Đến nay, tổng đàn nái cụ kỵ, ông bà giống Landrace, Yorkshire, Duroc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương duy trì khoảng 1.000 con, chiếm 1% số lợn nái cụ kỵ, ông bà trong cả nước (Số liệu công bố khoảng 109.000 con).
Hơn nữa, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đàn lợn được tiếp tục được cải thiện, nâng cao. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục nuôi giữ bảo tồn đàn lợn VCN-MS15 để đề xuất khai thác.
Trong năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương gặp muôn vàn khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giá xuất bán sản phẩm trong 9 tháng đầu năm 2019 thấp hơn giá thành sản xuất, chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng cao, việc chuyển giao con giống vào sản xuất nhiều thời điểm rất chậm.
Tuy nhiên, nhờ sự tuân thủ chặt chẽ yêu cầu thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh của Bộ NN-PTNT, sự chỉ đạo sát sao của Viện Chăn nuôi và áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp điều kiện các Trạm trực thuộc nên số lượng lợn giống Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương chuyển giao vẫn đạt trên 2.300 cái hậu bị ông bà, bố mẹ, 59 đực giống các loại.
Thành quả vượt khó năm 2019 giúp Trung tâm duy trì được đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà để cung cấp lợn giống phục vụ cho việc tái đàn lợn trong sản xuất, giúp bảo đảm thu nhập, duy trì cuộc sống ổn định cho viên chức và người lao động vượt qua hai cơn bão dịch.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, các đề tài và dự án khoa học cấp Bộ do Trung tâm chủ trì, các đề tài và dự án khoa học phối hợp với các đơn vị, địa phương năm 2019 vẫn được Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, trong đó nhiều sản phẩm đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương Phạm Duy Phẩm, xác định năm 2020 ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa hết khó khăn, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến phức tạp nên nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Trung tâm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đàn lợn hạt nhân, đàn lợn giống gốc đơn vị đang nuôi lưu giữ, bảo tồn để phục vụ cho việc phát triển, tái đàn.
Năm 2020, với quy mô đàn lợn cụ kỵ, ông bà giữ được cùng chất lượng con giống luôn đươc nâng cao, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương phấn đấu số lượng lợn giống chuyển giao vào sản xuất khoảng 4.500 lợn cái hậu bị ông bà, bố mẹ và đực giống, đạt 21% so với tổng sản phẩm xuất bán.
Theo báo NNVN